0986 356 663 Góp ý, khiếu nại (8h00-22h00)
Nền tảng khoa học

Nền tảng khoa học  50 năm say mê nghiên cứu…

TS. Phan Quốc Kinh
Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam
Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam
Phó chủ tịch Hội Hóa dược Việt Nam
Giám đốc khoa học công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam

 


Tiến sỹ: Phan Quốc Kinh đang nghiên cứu trồng rau mầm

 

Tiến sĩ Phan Quốc Kinh còn nhớ mãi ngày ấy cách đây nửa thế kỉ, vào thời điểm năm 1959, khi còn là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y Dược Hà Nội, ông đã có cơ hội may mắn được tham gia nghiên cứu bào chế một số dạng thuốc từ tâm sen, lá sen, củ bình vôi… tại Bộ môn Bào chế  do dược sĩ Đặng Thị Hồng Vân phụ trách. Đây là sự kiện đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học mà ông đã đi trong suốt nửa thế kỉ qua…

Nhiều công trình tầm cỡ thế giới     
Do tỏ ra có năng khiếu vượt trội, năm 1963, dược sĩ Kinh được cử sang Liên Xô học tập, nghiên cứu tại Viện Cây thuốc Liên Xô với đề tài “Chiết xuất, xác định các hoạt chất của củ bình vôi – Stephania glabra (còn gọi là Stephania rotunda)”. Tại đây, dược sĩ Kinh đã phát hiện ra sai lầm của nhà khoa học Nhật Kondo với công bố cấu tạo hóa học của rotundin – hoạt chất chính của củ bình vôi – có cấu trúc ba vòng. Còn nhóm dược sĩ Kinh đã phát hiện hoạt chất chính của củ bình vôi là tetrahydropalmatin (có cấu trúc 4 vòng). Năm 1965, các nhà khoa học Nhật đã công bố sai lầm của Kondo và kết quả nghiên cứu của nhóm dược sĩ Kinh đã được công bố ở báo “Các hợp chất thiên nhiên” của Liên Xô (1965) và tập “Chemistry of natural compounds” của Mỹ (2004).

 


Quy trình sản xuất - vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế

 

Năm 1965, dược sĩ Kinh chuyển sang nghiên cứu tại Viện Hóa hợp chất thiên nhiên của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Viện sĩ I.V.Torgov (một chuyên gia hóa học steroid nổi tiếng trên thế giới). Qua nhiều tháng nghiên cứu từ sáng đến tối tại phòng thí nghiệm dược sĩ Kinh đã hoàn thành một công trình khoa học có ý nghĩa là phương pháp tổng hợp toàn phần dẫn chất nội tiết tố sinh dục nữ. Công trình đã đăng ở tạp chí thông tin khoa học Hóa học Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, được công bố tại Hội nghị Hóa học quốc tế ở Ý và được trích dẫn vào các tuyển tập về tổng hợp toàn phần steroid công bố ở Nga, Israel và ở Mỹ.

Về nước, từ năm 1966, tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở Bộ môn Hóa dược trường Đại học Dược Hà Nội, TS. Kinh đã triển khai các đề tài về sản xuất tetrahydropalmatin làm thuốc ngủ, an thần; chiết xuất nuciferin từ lá sen và xác định cao lá sen và nuciferin có tác dụng an thần năm 1971 (trước công bố của Marko (Mỹ - 1972) về tác dụng an thần của nuciferin). Ông tham gia nhóm nghiên cứu sản xuất thuốc an thần Sen vông, nghiên cứu cải tiến Seivo và năm 2001 với sản phẩm mới Seroga có hoạt tính gây ngủ, an thần, chống stress và giảm đau.

Ngoài nghiên cứu khoa học, TS. Kinh còn tham gia giảng dạy ở một số trường đại học trong nước, 3 lần sang Campuchia giảng dạy môn Hóa dược – môn học chính của ngành Dược bằng tiếng Pháp. TS. Kinh còn công bố nhiều tài liệu, sách báo về nghiên cứu khoa học và đã báo cáo các công trình nghiên cứu của mình ở Ba Lan, Mỹ, Anh, Bungari… Là một nhà khoa học trung thực và dũng cảm, TS. Kinh đã có nhiều phản biện nổi tiếng về đề tài thuốc prostaglandin từ san hô mềm, về các thuốc cai nghiện ma túy từ dược liệu…

Dập tắt dịch lỵ bằng cây cỏ thuốc Nam
Một ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời của nhà khoa học từ lúc còn trẻ này là giai đoạn tham gia nghiên cứu sản xuất thuốc Codanxit và Berberin góp phần dập tắt dịch lỵ nguy hiểm trong những năm 1970. Đây là thời kì đất nước ta rất khó khăn, thiếu thốn, ngoài địch họa thiên tai (lũ lớn năm 1971), còn phải gánh chịu hậu quả của bệnh dịch lỵ nguy hiểm đang lan nhanh ở các tỉnh đồng bằng, miền núi, nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy liên tục đến kiệt sức rồi tử vong. Các nhà khoa học Việt Nam xác định nguyên nhân dịch lỵ rất phức tạp bao gồm các loại vi khuẩn và nguyên sinh (amip) gây ra. Việc điều trị rất phức tạp lại gặp khó khăn – hết thuốc và không thể nhập khẩu do máy bay, tàu thủy của quân đội Mỹ liên tục bắn phá.

Vấn đề cốt lõi nhất là phải có thuốc để phòng và điều trị lỵ do cả vi khuẩn và amip gây ra. Nhưng lấy thuốc ở đâu? Đó là câu hỏi cần phải giải đáp mau chóng và kịp thời. Khả năng nhập khẩu là bất khả thi vì kẻ địch đang ráo riết bao vây mọi phía. Giáo sư Hồ Đắc Di, quyền Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đã đưa ra giải pháp: “Phải mau chóng nghiên cứu sản xuất thuốc phòng chống dịch lỵ bằng cây cỏ trong nước”.

Vậy ai sẽ đảm nhiệm cung cấp thuốc có hiệu lực cho nhu cầu cấp bách này chỉ trong vài tháng? Lúc này dược sỹ Phan Quốc Kinh 35 tuổi đã đứng lên thay mặt cho trường Đại học Dược xin nhận nhiệm vụ và hứa sẽ cung cấp đủ thuốc cho Bộ sau 6 tháng… Sau 10 ngày, với hàng trăm bài thuốc nam điều trị lỵ có trong tay kết hợp với các tài liệu y học cổ truyền và y học hiện đại, nhóm dược sĩ Phan Quốc Kinh đã chọn ra 20 cây thuốc có khả năng chống vi sinh vật gây bệnh lỵ để thử tác dụng kháng sinh… Kết quả đã xác định được một số cây cỏ và hoạt chất có tác dụng hữu hiệu chống lại các vi khuẩn và amip gây bệnh lỵ. Đó là: cỏ sữa lớn lá, hoàng liên gai, hoàng bá, hoàng đằng. Ngay sau đó nhóm đã bắt tay ngay vào việc thu hái dược liệu ở Lào Cai và một số tỉnh đồng bằng và bào chế 2 loại thuốc:
- Codanxit: chứa cao cỏ sữa lớn lá và cao hoàng đằng
- Berberin cholorid chiết từ hoàng liên gai và hoàng bá.

Qua thử dược lý, hai thuốc này không độc, không gây ra các triệu chứng phụ, được Bộ Y tế cho phép sử dụng ngay hai thuốc này ở Hà Sơn Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam Ninh, Thái Nguyên… Giáo sư Tôn Thất Tùng  trực tiếp sử dụng Codanxit và Berberin cho chính mình và cho các bệnh nhân ở bệnh viện Việt Đức, xác định thuốc có hiệu quả tốt. Nhờ có hai loại thuốc này, dịch lỵ nguy hiểm và phức tạp ở miền Bắc đã được dập tắt.

 


Hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm hiện đại

 

Tóm lại, việc nghiên cứu sản xuất thành công ở quy mô lớn Codanxit và Berberin của trường Đại học Dược và xí nghiệp dược phẩm Trung ương 2 Hà Nội và tiếp đó là quy mô sản xuất đại trà Berberin từ cây vàng đắng của nhiều xí nghiệp quân và dân dược đã cung cấp thuốc phòng chống dịch lỵ dùng trong nước và góp phần xuất khẩu Berberin cho nhiều nước. Các sản phẩm này có hiệu lực tốt, dùng an toàn, giá lại rẻ. Codanxit và Berberin còn có tác dụng tốt cầm tiêu chảy và điều trị viêm đại tràng, nhất là phòng tiêu chảy khi người ăn bị mắc do ăn hải sản. Cũng trong giai đoạn này, năm 1976, dược sĩ Kinh còn được giao trách nhiệm bào chế thuốc từ rắn biển để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc và bào chế thuốc bổ phục vụ trực tiếp đồng chí Kayson Phomvihan – lãnh tụ cách mạng Lào.
 
Đi tìm hạnh phúc cho người
Có thể nói hiện nay, TS. Kinh còn là chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực nghiên cứu thực phẩm chức năng và các chất chống lão hóa, mang lại hạnh phúc cho con người. Một năm ở trường Đại học quốc gia Leiden Hà Lan, cùng với các thầy và đồng nghiệp Hà Lan, dược sĩ Kinh đã công bố kết quả nghiên cứu về các chất sterol của nọc cóc, đăng ở báo Thụy Sĩ, và công bố kết quả xác định hoạt chất 19-hydroxy bufalin của nọc cóc Việt Nam đăng ở báo “Các hợp chất thiên nhiên ở Mỹ”. Sau đó là công trình nghiên cứu xác định cấu trúc Pseudorobparicin - alcaloid mới có cấu tạo hóa học rất phức tạp từ rễ cây Bánh hỏi ở tạp chí “Cây thuốc” của Đức.

Từ Hà Lan, dược sĩ Kinh đã có nhiều cơ hội tiếp cận với một số trường Đại học và Viện nghiên cứu Dược học, Hóa học hiện đại ở Anh, Đức, Pháp… để hợp tác nghiên cứu cấu trúc hóa học của một số hoạt chất chiết từ cây cỏ Việt Nam. Trở về nước, dược sĩ Kinh được phân công chủ trì nhiều đề tài trọng điểm cấp Nhà nước về thuốc như các chế phẩm từ quả gấc (xác định quả gấc chín có chứa vitamin E) về tổng hợp sản xuất thử các thuốc nội tiết tố sinh dục nam – Methyltestosteron, thuốc tăng dưỡng – Methylandrostendiol… Và nghiên cứu sản xuất các thuốc từ sinh vật biển như Rheumatin (cao rắn biển), Sabota (cao hải sâm)…

Năm 1997, sau hai lần sang công tác ở trường Đại học Blackburg và dự Hội nghị quốc tế chống lão hóa ở Las Vegas ở Mỹ, tiến sĩ Kinh đã đi sâu nghiên cứu sản xuất một số thực phẩm chức năng từ cây cỏ và động vật Việt Nam như cây tật lê thu hái ở bờ biển Nam trung bộ có tác dụng tăng sinh lực, chống lão hóa cho cả nam và nữ giới. Các thực phẩm chức năng chứa cao tật lê đã được lưu hành rộng rãi ở trong nước như Uphaton, Savigold (cho nam giới), Tiên dung, Tây sa (cho nữ giới) và thuốc Tribulus cho cả nam và nữ giới, được xuất khẩu sang Nhật và một số nước khác. Cùng các đồng nghiệp, Tiến sĩ Kinh đã nghiên cứu sản xuất lutein có tác dụng làm sáng mắt, dưỡng mắt từ hoa cúc vạn thọ, các isoflavon từ đậu tương nảy mầm để chống lão hóa cho nữ giới và bán tổng hợp Dehydroepiandrosteron (DHEA) và Pregnenolon để bào chế các sản phẩm chống lão hóa. Từ năm 1994, không chỉ nghiên cứu hoạt chất của đậu tương nảy mầm, TS. Kinh và các cộng sự còn nghiên cứu trồng cây mầm để cung cấp một loại thực phẩm sạch, an toàn. Qua thực nghiệm, Tiến sĩ Kinh và cộng sự đã đưa ra một phương pháp trồng rau mầm thủ công đơn giản nhất, không dùng đất, không dùng giá thể mà chỉ dùng 3 lớp giấy ăn để trồng rau mầm. Phương pháp này đã được phổ biến rộng rãi trên vô tuyến truyền hình, trên nhiều báo và tạp chí, được ứng dụng ở nhiều nơi.

Hiện nay, TS. Kinh còn là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách về Dược học và Hóa học các hợp chất thiên nhiên, trong đó có sách “Thuốc nam chữa bệnh cho người nghèo ở nông thôn và miền núi” (xuất bản năm 2001, in 1000 quyển không bán mà chỉ gửi tặng cho đồng bào ở miền núi và nông thôn).

Với lòng say mê nghiên cứu khoa học, TS. Kinh luôn tìm tòi học hỏi các kinh nghiệm dược học cổ truyền quý giá của các ông lang, bà mế tại các vùng rẻo cao ở biên giới Việt bắc, Tây bắc, ở vùng Tây Nam bộ và các tỉnh miền Trung, sử dụng các phương pháp hiện đại để xác định các hoạt chất sinh học của các chế phẩm từ cây cỏ, động vật Việt Nam. Lòng yêu nghề, thương yêu người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo chính là động lực thúc đẩy TS.Kinh năm nay 75 tuổi vẫn miệt mài nghiên cứu để tạo thêm một số thuốc mới và thực phẩm chức năng mới giúp cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

                                                                                                                                                                                                   KIM CHI
(Theo báo điện tử, Sở khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội, bài chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội)

Chiến lược
Cam kết
Thông cáo báo chí
Tuyển dụng

Tìm kiếm hàng đầu

Xem hệ thống nhà thuốc toàn quốc

0986 356 663